Chi tiết tin

[ - ] Text [ + ]
Tags:

Một số điểm mới trong Thông tư 18/2011/TT-BTC ngày 10/02/2011 hướng dẫn thuế thu nhập doanh nghiệp

Ngày 10/02/2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 18/2011/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điểm của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp. VP AUDIT xin giới thiệu một số điểm mới cần lưu ý trong văn bản này như sau:

1. Chuyển đổi kỳ tính thuế TNDN:

Tại Thông tư số 130/2008/TT-BTC quy định kỳ tính thuế của doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch. Trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế xác định theo năm tài chính áp dụng.

Để hướng dẫn cụ thể việc chuyển đổi kỳ tính thuế TNDN từ năm dương lịch sang năm tài chính khác năm dương lịch (hoặc ngược lại) Thông tư số 18/2011/TT-BTC đã quy định trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kỳ tính thuế TNDN từ năm dương lịch sang năm tài chính (hoặc ngược lại) thì kỳ tính thuế TNDN của năm chuyển đổi không vượt quá 12 tháng.

2. Xác định thuế TNDN của đơn vị sự nghiệp phát sinh hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ:

Tại Thông tư số 18/2010/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể tỷ lệ % trên doanh thu của một số hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật là 2% đối với trường hợp đơn vị sự nghiệp có phát sinh hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không hạch toán và xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh nhằm mục đích khuyến khích xã hội hoá.

3. Trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ):

- Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi tuân thủ pháp luật thuế Thông tư số 18/2011/TT-BTC quy định cụ thể hơn việc doanh nghiệp chỉ phải thông báo phương pháp trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) mà doanh nghiệp lựa chọn áp dụng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện phương pháp trích khấu hao thay cho quy định doanh nghi��p phải đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) mà doanh nghiệp lựa chọn áp dụng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện phương pháp trích khấu hao.

- Thông tư số 18/2011/TT-BTC đã bổ sung nội dung về khoản chi phí khấu hao TSCĐ trong một số trường hợp TSCĐ tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể:

Trường hợp TSCĐ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho SXKD nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ với thời gian dưới 9 tháng; tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng, sau đó TSCĐ tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao TSCĐ trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

- Tại Thông tư số 18/2011/TT-BT đã hướng dẫn chi tiết về trích khấu hao tài sản cố định đối với quyền sử dụng đất có thời hạn. Cụ thể: Quyền sử dụng đất có thời hạn nếu có đầy đủ hoá đơn chứng từ và thực hiện đúng các thủ tục theo quy định của pháp luật, có tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì được phân bổ dần vào chi phí được trừ theo thời hạn được phép sử dụng đất theo quy định.

4. Về xây dựng, quản lý định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá sử dụng vào sản xuất, kinh doanh:

Từ thời điểm Thông tư số 18/2011/TT-BTC có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp chỉ phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 3 tháng kể từ khi bắt đầu đi vào sản xuất, kinh doanh đối với định mức chính của những sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp mà không phải thông báo định mức của tất cả sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Định mức chính của những sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp do doanh nghiệp quyết định.

5. Về trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề:

Tại Thông tư số 18/2011/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể về nội dung trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Trong đó giải thích rõ quy định về quỹ tiền lương thực hiện. Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

Nguyên tắc trích lập, sử dung quỹ dự phòng tiền lương:

+ Trường hợp quỹ tiền lương của doanh nghiệp đã được duyệt theo quy định thì việc trích lập dự phòng quỹ tiền lương phải đảm bảo nguyên tắc số tiền trích lập dự phòng cộng tổng số tiền lương, tiền công thực tế đã chi trả đến thời hạn nộp hồ sơ quyết toán không vượt quá tổng tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động theo quỹ tiền lương đã được duyệt (nếu có).

+ Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.

+ Trường hợp năm trước doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng tiền lương nhưng đến ngày 31/12 của năm sau doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng tiền lương thì doanh nghiệp phải ghi giảm chi phí của năm sau.

6. Về chi trang phục:

Thông tư 18/2011/TT-BTC đã nâng mức không chế về chi trang phục nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện việc tính vào chi phí khoản chi trang phục phù hợp với biết động giá cả thời điểm hiện tại và tương lại. Cụ thể:

Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ: Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động có hoá đơn, chứng từ; phần chi trang phục bằng tiền, bằng hiện vật cho người lao động không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.

Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động thì mức chi tối đa để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.

7. Về xác định các khoản thu nhập.

a) Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn:

Tại Thông tư số 130 quy định: Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn bao gồm: lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn tính vào thu nhập khác.

Để quy định rõ hơn đối với khoản thu nhập từ lãi tền gửi, lãi cho vay vốn, Thông tư số 18 có hướng dẫn cụ thể hơn như sau:

- Trường hợp khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn phát sinh cao hơn khoản chi trả lãi tiền vay theo quy định, sau khi bù trừ phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế.

- Trường hợp khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn phát sinh thấp hơn khoản chi trả lãi tiền vay theo quy định, sau khi bù trừ phần chênh lệch còn lại tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

b) Thu nhập từ chênh lệch tỷ giá:

Tại Thông tư số 130 quy định: Lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ tính vào thu nhập khác. Các khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục ngoại tệ cuối năm tài chính, chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành TSCĐ không được tính vào chi phí và thu nhập khi xác định thu nhập chịu thuế.

Khi thực hiện nội dung nêu trên đã gặp vướng mắc do vậy Bộ Tài chính đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 18 đã hướng dẫn cụ thể như sau:

- Trong năm tính thuế Doanh nghiệp có chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính, thì được xác định như sau:

+ Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp được tính vào chi phí hoặc thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp. Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ không liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp, nếu phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí sản xuất kinh doanh chính, nếu phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá tính vào thu nhập khác.

+ Lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính được bù trừ với lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính. Sau khi bù trừ nếu còn lãi chênh lệch tỷ giá thì tính vào thu nhập khác, nếu lỗ chênh lệch tỷ giá thì tính vào chi phí sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế.

Trường hợp chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ tính vào chi phí làm cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị lỗ thì có thể phân bổ một phần chênh lệch tỷ giá cho năm sau để doanh nghiệp không bị lỗ nhưng phải đảm bảo phần chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí trong năm ít nhất cũng phải bằng chênh lệch tỷ giá của số ngoại tệ đến hạn phải trả trong năm đó.

Các khoản chênh lệch tỷ giá nêu trên không bao gồm chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ; chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành TSCĐ mà TSCĐ này chưa đưa vào sản xuất kinh doanh (không phân biệt doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh hay đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh).

c) Về các khoản thu và chi về tiền phạt, tiền bồi thường do bên đối tác vi phạm hợp đồng:

Tại Thông tư số 130 mới quy định: chênh lệch giữa thu về tiền phạt, tiền bồi thường do bên đối tác vi phạm hợp đồng kinh tế sau khi đã trừ khoản bị phạt, bị trả bồi thường do vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật tính vào thu nhập khác; chưa quy định cụ thể khoản chi tiền bồi thường vi phạm hợp đồng.

Thông tư số 18 có hướng dẫn cụ thể hơn như sau:

Trường hợp doanh nghiệp có khoản thu về tiền phạt, tiền bồi thường do bên đối tác vi phạm hợp đồng phát sinh cao hơn khoản chi tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng (các khoản phạt này không thuộc các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính), sau khi bù trừ phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác.

Trường hợp doanh nghiệp có khoản thu về tiền phạt, tiền bồi thường do bên đối tác vi phạm hợp đồng phát sinh thấp hơn khoản chi tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng (các khoản phạt này không thuộc các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính), sau khi bù trừ phần chênh lệch còn lại tính giảm trừ vào thu nhập khác. Trường hợp đơn vị trong năm không phát sinh thu nhập khác thì được giảm trừ vào thu nhập hoạt động sản xuất kinh doanh.

d) Về các khoản thu nhập về tiêu thụ phế liệu, phế phẩm:

Tại Thông tư số 130 quy định: Thu nhập về tiêu thụ phế liệu, phế phẩm được xác định bằng thu nhập từ việc bán phế liệu, phế phẩm trừ chi phí thu hồi và chi phí tiêu thụ phế liệu, phế phẩm và tính vào thu nhập khác.

Thông tư số 18 có hướng dẫn cụ thể hơn như sau:

- Trường hợp doanh nghiệp phát sinh khoản thu nhập từ bán phế liệu, phế phẩm được tạo ra trong quá trình sản xuất của các sản phẩm đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì khoản thu nhập này được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

- Trường hợp doanh nghiệp phát sinh khoản thu nhập từ bán phế liệu, phế phẩm được tạo ra trong quá trình sản xuất của các sản phẩm không được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì khoản thu nhập nhập này được tính vào thu nhập khác, không được áp dụng ưu đãi thuế TNDN.

e) Về khoản tiền hoàn thuế xuất, nhập khẩu của hàng hoá đã thực xuất khẩu, thực nhập khẩu:

Thông tư số 18 có bổ sung nội dung: Khoản tiền hoàn thuế xuất, nhập khẩu của hàng hoá đã thực xuất khẩu, thực nhập khẩu phát sinh trong năm quyết toán thuế TNDN được tính giảm trừ chi phí. Trường hợp khoản tiền hoàn thuế xuất, nhập khẩu của hàng hoá đã thực xuất khẩu, thực nhập khẩu phát sinh của các năm quyết toán thuế TNDN trước thì tính vào thu nhập khác. Trường hợp khoản thu nhập này liên quan trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì khoản thu nhập này được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Trường hợp khoản thu nhập này không liên quan trực tiếp lĩnh vực sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì khoản thu nhập này được tính vào thu nhập khác, không được áp dụng ưu đãi thuế TNDN.

8. Xác định lỗ và chuyển lỗ.

Thông tư số 18 có quy định cụ thể hơn so với Thông tư số 130 như sau:

- Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì phải chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

- Doanh nghiệp có số lỗ giữa các Quý trong cùng một năm tài chính thì được bù trừ số lỗ của quý trước vào các quý tiếp theo của năm tài chính đó. Khi quyết toán thuế TNDN doanh nghiệp xác định số lỗ của cả năm và chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp sau năm phát sinh lỗ theo quy định nêu trên.

9. Thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán.

Thông tư số 18 có bổ sung thêm các nội dung sau:

- Trường hợp công ty cổ phần thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn thì phần chênh lệch lớn hơn giữa giá phát hành và mệnh giá được hạch toán vào tài khoản thặng dư vốn cổ phần và không tính thuế TNDN đối với khoản thặng dư vốn cổ phần.

- Trường hợp doanh nghiệp có chuyển nhượng vốn không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ....) có phát sinh thu nhập thì khoản thu nhập này được xác định là khoản thu nhập khác và kê khai vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Đối với tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam mà tổ chức này không hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (gọi chung là nhà thầu nước ngoài) có hoạt động chuyển nhượng vốn.

Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn có trách nhiệm xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Trường hợp bên nhận chuyển nhượng vốn cũng là tổ chức nước ngoài không hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam nơi các tổ chức nước ngoài đầu tư vốn có trách nhiệm kê khai và nộp thay số thuế TNDN phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài.

10. Thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản.

Thông tư số 18 có bổ sung thêm các nội dung sau:

- Trường hợp tổ chức tín dụng được phép chuyển nhượng bất động sản đã được thế chấp theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn nếu không xác định được giá vốn của bất động sản thì giá vốn được xác định bằng (=) vốn vay phải trả theo hợp đồng thế chấp bất động sản cộng (+) chi phí lãi vay chưa trả đến thời điểm phát mãi bất động sản thế chấp theo hợp đồng tín dụng cộng (+) các khoản chi phí phát sinh khi chuyển nhượng bất động sản nếu có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

- Trường hợp cơ quan thi hành án chuyển nhượng bất động sản là tài sản đảm bảo thi hành án nếu không xác định được giá vốn của bất động sản thì giá vốn được xác định bằng (=) số tiền nợ phải trả nợ theo quyết định của Toà án để thi hành án cộng (+) các khoản chi phí phát sinh khi chuyển nhượng bất động sản nếu có hóa đơn chứng từ hợp pháp.

11. Ưu đãi thuế TNDN:

- Để xác định cụ thể điều kiện dự án đầu tư để được hưởng ưu đãi thuế TNDN, Thông tư số 18 có bổ sung thêm các nội dung sau:

Trường hợp doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư mà dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư dưới mười lăm (15) tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì hồ sơ để xác định dự án đầu tư là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư mà dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư từ mười lăm (15) tỷ đồng Việt Nam đến dưới ba trăm (300) tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư theo mẫu tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh.

- Thông tư số 18 có hướng dẫn cụ thể thêm bù trừ lãi lỗ giữa hoạt động được hưởng ưu đãi thuế và hoạt động kinh doanh khác, thu nhập khác, cụ thể như sau:

Trường hợp trong năm doanh nghiệp có phát sinh hoạt động kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế bị lỗ, hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế, thu nhập khác của các hoạt động kinh doanh (không bao gồm thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản) có thu nhập (hoặc ngược lại) thì doanh nghiệp bù trừ vào thu nhập chịu thuế của các hoạt động có thu nhập do doanh nghiệp lựa chọn. Phần thu nhập còn lại sau khi bù trừ áp dụng mức thuế suất thuế TNDN theo mức thuế suất của hoạt động còn thu nhập.

- Thông tư số 18 có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư vào các ngành nghề đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, cụ thể như sau:

Để được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo trường hợp doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư vào các ngành nghề đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định thì doanh nghiệp phải phát sinh doanh thu, thu nhập từ quá trình hoạt động của các dự án đầu tư nêu trên. Trường hợp các doanh nghiệp thực hiện thi công, xây dựng các công trình này thì phần thu nhập từ hoạt động thi công, xây dựng các công trình này không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

- Thông tư số 18 có hướng dẫn cụ thể thêm đối với trường doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động xã hội hoá, cụ thể như sau:

- Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhưng có phát sinh thu nhập từ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường (sau đây gọi chung là lĩnh vực xã hội hoá) nếu đủ điều kiện thuộc Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn về lĩnh vực xã hội hoá do Thủ tướng Chính phủ quy định thì áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với phần thu nhập có được từ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường kể từ ngày 01/01/2009.

- Doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực xã hội hoá trước ngày 01/01/2009 và đủ điều kiện thuộc Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn về lĩnh vực xã hội do Thủ tướng Chính phủ quy định mà đang áp dụng mức thuế suất cao hơn mức 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động xã hội hoá thì được chuyển sang áp dụng mức thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động xã hội hoá kể từ ngày 01/01/2009.

- Thông tư số 18 có hướng dẫn cụ thể thêm việc áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi đối với hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có thu nhập từ hoạt động dịch vụ nông nghiệp và quỹ tín dụng nhân dân, cụ thể như sau:

Từ ngày 1/1/2009, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có thu nhập từ hoạt động dịch vụ nông nghiệp và quỹ tín dụng nhân dân được áp dụng thuế suất 20% kể cả trường hợp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và quỹ tín dụng nhân dân được thành lập trước ngày 1/1/2009 nhưng chưa được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN hoặc đã hết thời gian hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN (không bao gồm trường hợp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và quỹ tín dụng nhân dân đang được áp dụng thuế suất 10%).

- Thông tư số 18 có hướng dẫn cụ thể thêm ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản, cụ thể như sau:

Không áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp được thành lập và cấp giấy phép đầu tư về hoạt động khai thác khoáng sản từ ngày 01/01/2009. Trường hợp doanh nghiệp khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày 01/01/2009 đang hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp thì tiếp tục được hưởng các mức ưu đãi này cho thời gian còn lại.

12. Nội dung khác:

Thông tư số 18 đã thay thế bảng kê thu mua hàng hoá, dịch vụ mua vào không có hoá đơn mẫu số 01/TNDN (ban hành kèm theo Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính). Từ kỳ tính thuế năm 2011 doanh nghiệp mua hàng hoá, dịch vụ không có hoá đơn được phép lập Bảng kê thu mua hàng hoá, dịch vụ mua vào theo quy định thì thực hiện lập Bảng kê ban hành kèm theo Thông tư số 18.

Trên đây là một số nội dung mới của Thông tư só 18/2011/TT-BTC so với Thông tư số 130/2008/TT-BTC./.

(VACPA)
Cập nhật lần cuối + 07/06/2011 1:49:00 CH
Lượt xem:2001