Mỹ có quyết định đánh Syria hay không
Cách đây chỉ một thập kỷ, kinh tế thế giới là “nô lệ” của sự đồng thuận ở Washington trong khi địa chính trị là một nhánh của siêu quyền lực ở Nhà Trắng. Ngày nay, trước khi tiến hành cuộc tấn công trừng phạt Tổng thống Syria Bashar Assad vì đã sử dụng vũ khí hóa học, Tổng thống Mỹ Barack Obama vấp phải một “chướng ngại vật”: sự đồng ý của Quốc hội. Nước Anh cũng không thể tự do ủng hộ đồng minh thân cận nhất. Những gì đang diễn ra ở Trung Đông ảnh hưởng tới cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo nước Mỹ. Và, một trong những quan chức thân tín của ông Obama đã khẳng định cuộc tấn công sẽ “ở mức vừa phải để nước Mỹ không bị chỉ trích”.
Theo lẽ thường từ trước đến nay, nước Mỹ chưa bao giờ trừng phạt sự tàn bạo. Trong những năm 1980, khi Tổng thống Iraq Saddam Hussein cho tấn công bằng hơi độc khiến hàng nghìn người Kurd ở Iraq và người Iran thiệt mạng, Mỹ không có bất kỳ phản ứng nào. Điều tương tự cũng xảy ra khi người cha của ông Assad – Hafez – tàn sát 20.000 người dân.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đó là thời kỳ chiến tranh lạnh, khi ông Saddam đang chống lại Iran và Liên hợp quốc cũng chưa ban hành Công ước cấm sử dụng vũ khí hóa học. Hơn nữa, mùa hè năm ngoái, ông Obama đã tuyên bố sẽ không tha thứ nếu như Syria sử dụng vũ khí hóa học. Với hơn 1.000 người dân thiệt mạng trong cuộc tấn công vừa qua, có lẽ ông Obama đã đúng khi kết luận rằng Syria đang muốn thử khả năng thực hiện quyết tâm của nước Mỹ.
Những lập luận trên khiến phiên họp quốc hội (sẽ diễn ra vào ngày 9/9 tới) và những quyết định tiếp theo trở thành một trong những tình tiết định hình vị thế của Mỹ cũng như phương Tây trên trường quốc tế. Đây là điềm báo hiệu về những gì còn lại sau sự ngạo mạn của Iraq và phức tạp ở Afghanistan. Giữa những thách thức từ Nga và Iran cùng với việc Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng, quyết định của Mỹ cũng là phép thử đối với phương Tây. Cả thế giới đang theo dõi sát sao diễn biến ở Syria.
Tờ Economist đã từng lập luận rằng Mỹ và các đồng minh nên cho ông Assad một cơ hội từ bỏ vũ khí hóa học và trừng trị nghiêm khắc nếu ông Assad phản đối điều này. Ở đây, mục tiêu là khiến các nước nhụt chí khi có ý định sử dụng vũ khí hóa học chứ không phải thay đổi chế độ ở Syria. Nếu ông Obama không hành động, Syria có thể coi đây là tín hiệu khuyến khích sử dụng vũ khí hóa học. Những kẻ độc tài và hung hãn có mặt ở khắp mọi nơi (trong đó có Iran và Hàn Quốc) sẽ hành động mạnh bạo hơn.
Hi vọng ở đây là Quốc hội Mỹ sẽ đặt nguyên tắc lên trên đảng phái và ủng hộ Tổng thống Obama. Sau đó, với sự ủng hộ của Pháp, ông Obama có thể thực hiện cuộc tấn công mạnh mẽ mà không bị chỉ trích. Tuy nhiên, con đường mà ông Obama đang đi không phải là một con đường đúng đắn, cả trong việc dựa vào bỏ phiếu ở Quốc hội và trong cách lập luận.
Cuộc họp Quốc hội ở Washington chỉ có giá trị ngắn hạn đối với ông Obama. Hầu hết người Mỹ phản đối tấn công Syria. Đây là cơ hội để tạo ra một cuộc chiến hợp pháp và khiến "bàn tay của Đảng Cộng hòa nhuốm máu". Thế nhưng, chi phí phải bỏ ra là gì? Quốc hội có thể phủ quyết và đó là "rủi ro chết người" đối với một Tổng thống. Hơn nữa, kể cả khi giành chiến thắng ở Quốc hội, ông Obama vẫn tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực về mặt chính sách đối ngoại - điều mà ông luôn muốn bảo vệ. Người đứng đầu cần phải hành động một cách thông minh và lanh lợi khi đối mặt với thế giới. Đôi lúc, những quyết định không được lòng dân là điều cần thiết.
Ông Obama cũng lập luận rằng quyết định tham khảo ý kiến của cơ quan lập pháp không làm mất đi quyền tự do. Tuy nhiên, đây là tổ chức được thiết kế để làm người khác nản chí. Yêu cầu của ông Obama khiến người ta hi vọng rằng hành động cưỡng chế trong tương lai sẽ phụ thuộc vào tâm trạng thất thường của Quốc hội.
Ông cũng có thể vặn lại rằng mình đang phải đương đầu với "huyền thoại" George W. Bush. Nước Mỹ đã đổ hàng nghìn tỷ USD tiền thuế của dân và hàng nghìn mạng sống vào Iraq và Afghanistan. Rất nhiều người Mỹ giờ đây đang tự hỏi liệu có phải người Mỹ đang cố gắng trở thành "cảnh sát của thế giới" trong khi đó là một nhiệm vụ không nhận được sự biết ơn và đang ở trong trạng thái vô vọng?
Syria không phải là Iraq. Rõ ràng là bằng chứng cho thấy chế độ của ông Assad phạm tội vẫn là một dấu hỏi. Kể cả khi ông Assad chống lại cuộc tấn công của Mỹ bằng cách sử dụng nhiều chất sarin hơn, ý định của ông Obama không phải là xâm lược.
Lý do để can thiệp vào Syria không rõ ràng như ở Iraq. Thứ nhất, hãy tính đến lợi ích của nước Mỹ. Chính trường thế giới đang ở trong trạng thái hỗn loạn. Chỉ có luật pháp và các hiệp ước có thể được áp dụng. Với vai trò là "cảnh sát của thế giới", nước Mỹ có thể tạo dựng những luật lệ hướng đến lợi ích của chính nước này. Người Mỹ càng nhượng bộ, các thế lực khác càng lấn tới. Mới đây, Trung Quốc đã khiêu khích Mỹ. Nga cũng đã bắt đầu tỏ thái độ đối đầu với Mỹ (không chỉ về vấn đề Syria). Trước khi cuộc tấn công diễn ra, liệu Syria có phải là lợi ích sống còn đối với nước Mỹ hay không vẫn là điều gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, câu trả lời chắc chắn là không sau khi ông Assad thẳng thừng thách thức chính quyền của ông Obama.
Vấn đề thứ hai nằm ở các giá trị phương Tây. Sức mạnh của nước Mỹ không chỉ đến từ khả năng sử dụng vũ lực mà còn từ những giá trị được tạo lập và gìn giữ từ bao đời nay. Những giá trị này có sức mạnh lớn hơn nhiều lần so với những gì ông Obama tưởng tượng. Ở Trung Quốc, kinh tế đang tăng trưởng chậm lại trong khi nhiều vụ tham nhũng bị phanh phui. Do đó, Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn trong con mắt đánh giá của toàn thế giới.
Cựu Tổng thống Bush đã làm hao mòn những giá trị của nước Mỹ với cuộc xâm lược vô nghĩa. Nếu giải quyết khéo léo, ông Obama có thể khôi phục lại danh tiếng của nước Mỹ. Và, nếu Quốc hội Mỹ buộc phải nhúng tay vào, cơ quan này nên gửi đi thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ rằng họ có thể làm được điều đó!
DH